Căng thẳng Nga-Ukraine: Giá cả bị đẩy lên cao, người dân chịu thiệt

Căng thẳng Nga-Ukraine leo thang trong thời gian gần đây xuất phát từ sự cạnh tranh vị thế và ảnh hưởng địa chính trị giữa Nga với các tổ chức phương Tây do Mỹ dẫn đầu kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Đỉnh điểm là cuộc khủng hoảng Ukraine bùng phát vào năm 2014 với việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea, ủng hộ vùng ly khai ở khu vực miền Đông nước này.

Sự cạnh tranh này không chỉ làm xói mòn an ninh địa chính trị, mà còn đe dọa an ninh năng lượng và an ninh lương thực toàn cầu. Trong khi đó, kinh tế Nga và Ukraine, hai “nhân vật chính” trong “cuộc chơi” địa chính trị này, phụ thuộc đáng kể vào hoạt động thương mại dầu mỏ và xuất khẩu ngũ cốc.

Rủi ro đối với an ninh năng lượng và an ninh lương thực toàn cầu

Nga là nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai trên thế giới, sau Saudi Arabia và đang cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt trên thị trường Liên minh châu Âu (EU). Về phần mình, Ukraine được hưởng lợi khá nhiều với vai trò là một quốc gia trung chuyển khí đốt Nga.

Mặc dù kể từ năm 2014 tới nay, Nga đã giảm khối lượng khí đốt vận chuyển sang châu Âu qua đường ống đi qua lãnh thổ Ukraine, song ước tính mỗi năm Ukraine vẫn nhận được khoảng 2 tỷ USD phí trung chuyển. Trong khi đó, cả Nga và Ukraine đều là hai “cường quốc ngũ cốc,” chiếm gần 1/3 xuất khẩu lúa mỳ và lúa mạch và 1/5 thương mại ngô trên thị trường thế giới.

Đợt bùng phát căng thẳng liên quan đến Ukraine lần này lại diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng, lạm phát gia tăng, trong khi các nước đều nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế thời kỳ hậu đại dịch COVID-19, khiến nhu cầu đối với nhiên liệu, lương thực, nguyên vật liệu ngày càng tăng. Tâm lý lo ngại về nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng khi cuộc xung đột quân sự nổ ra cũng như việc các nước đe dọa trừng phạt lẫn nhau đã đẩy giá cả nhiều mặt hàng lên cao, bao gồm dầu khí và lương thực.

[Xung đột Nga-Ukraine chi phối diễn biến của các mặt hàng nông sản]

Ngày 24/2, trong bối cảnh các phương tiện truyền thông đưa tin về chiến dịch quân sự đặc biệt do Nga tiến hành nhằm vào Ukraine, giá dầu đã tăng mạnh, vượt 100 USD/thùng. Cụ thể giá dầu Brent Biển Bắc có lúc lên tới 105,79 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 8/2014 và giá dầu ngọt nhẹ New York leo lên 100,54 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 7/2014.

Trong khi đó, báo cáo tháng 1/2022 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố trước đó dự báo giá dầu trung bình trong năm 2022 sẽ chỉ tăng 11,9% so với năm trước, lên 77,31 USD/thùng.

Trên sàn giao dịch hợp đồng tương lai lớn nhất ở châu Âu Euronext, giá một tấn lúa mỳ xay xát giao tháng Ba dao động quanh mức 275 euro (308 USD) và giá ngô kỳ hạn là 260 euro. Tuy các mức giá này chưa chạm đến kỷ lục được ghi nhận vào mùa Thu năm ngoái (khoảng 310 euro/tấn đối với lúa mỳ), nhưng cũng khiến thể giới hồi hộp lo lắng.

Người tiêu dùng – đối tượng chịu thiệt hại nhiều nhất

Trong tình hình hiện nay, với vai trò là nhà cung cấp năng lượng lớn cho thị trường thế giới, Nga là quốc gia đang được hưởng lợi từ việc tăng giá.

Theo số liệu thống kê năm 2021, tỷ trọng ngành dầu khí đóng góp vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga đạt hơn 15%, đóng góp 28% vào cơ cấu thu ngân sách và chiếm 44,6% trong cơ cấu hàng xuất khẩu. Trong khi ngân sách Nga được xây dựng trên cơ sở tính toán giá dầu chỉ ở mức 44,2 USD/thùng.

Để tăng tính ổn định của vĩ mô nền kinh tế, cuối năm 2021, Chính phủ Nga đã quyết định nâng ngưỡng cho Quỹ Tài sản Quốc gia từ 7% GDP lên 10% GDP, giúp tăng tích lũy dự trữ một cách hiệu quả so với mức chi tiêu của nhà nước.

Tuy nhiên, với việc giá dầu và khí đốt tương đối cao như hiện nay, thời gian tới, Nga có thể tiếp tục tăng mức tích lũy dự trữ để phù hợp với mặt bằng giá dầu hiện tại, trong khi một số quan chức kinh tế thuộc chính phủ đang đề xuất trích một phần nguồn thu từ xuất khẩu dầu khí để nâng cao phúc lợi xã hội.

Tuy nhiên, khi nhìn một cách toàn diện, việc giá cả hàng hóa bị đẩy lên cao sẽ kìm hãm đà phục hồi của nền kinh tế hậu đại dịch, và người chịu thiệt cuối cùng vẫn sẽ là người tiêu dùng.

Bắc Phi là nơi có các nhà nhập khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới. Các quốc gia như Ai Cập, Algeria, Tunisia và Libya sản xuất ít hơn một nửa tổng khối lượng ngũ cốc mà dân số của họ tiêu thụ hàng năm, nhất là lúa mỳ. Ai Cập với dân số 102 triệu người đã phải nhập khẩu tới 12,5 triệu tấn lúa mỳ trong giai đoạn 2020-2021, và khoảng 85% trong số này đến từ Nga và Ukraine.

Ngoài ra, người tiêu dùng Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi nước này là thị trường nhập khẩu ngô lớn nhất thế giới. Khoảng 30% lượng ngô xuất khẩu của Ukraine được vận chuyển đến Trung Quốc để chế biến làm thức ăn chăn nuôi lợn.

Tại Nhật Bản, giá dầu tăng đã khiến giá xăng và nhiên liệu diesel tăng nhanh, buộc chính phủ phải đưa ra một hệ thống trợ cấp cho những người bán buôn, khuyến khích họ hạn chế tăng giá bán lẻ.

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia kinh tế Nga đánh giá việc tăng giá các mặt hàng này hiện nay chủ yếu đến từ yếu tố tâm lý và chỉ tồn tại trong ngắn hạn.

Thực tế cho thấy, khi có những thông tin tích cực về triển vọng giải quyết một cuộc khủng hoảng, giá các mặt hàng có xu hướng giảm. Ngược lại, các thông tin về những căng thẳng leo thang có thể xảy ra sẽ khiến hàng hóa tăng giá./.

Related Posts