Nghị luận xã hội về lòng khoan dung

Nghị luận xã hội về lòng khoan dung – Bài làm 1

Không ai sinh ra là đã hoàn hảo. Bởi vậy, trong cuộc sống, ta đôi khi bắt gặp những người mắc sai lầm với mình và mong muốn được sửa chữa những sai sót. Lúc này đây, họ rất cần sự cảm thông và đặc biệt là tấm lòng khoan dung.

Vậy khoan dung là gì? Đó là thái độ ôn hòa, cảm thông và tha thứ với những sai phạm, lỗi lầm mà người khác đã gây ra và của cả chính mình. Không chỉ vậy, khoan dung còn là cách thể hiện sự cưu mang, giúp đỡ của bản thân với những người lầm đường lạc lối, giúp cho họ được trở về hòa nhập với cuộc sống hơn. Khoan dung với chính mình là tự làm cho bản thân cảm thấy nhẹ nhõm, thoải mái hơn để có thể đưa ra quyết định, mục tiêu đúng đắn hơn.

Khoan dung là một phẩm chất tốt đẹp để tạo dựng mối quan hệ thân thiện, tình cảm giữa con người với con người. Một người có tấm lòng khoan dung sẽ không bao giờ chấp nhặt những chuyện cỏn con mà người khác đã gây ra cho mình. Vì vậy, cuộc sống của họ trở nên thoải mái và họ sống chan hòa với mọi người xung quanh mà không hề để tâm những mâu thuẫn, xung đột xảy ra. Nhờ thế mà họ sẽ được nhiều người yêu quý, cảm mến. Hơn thế nữa, lòng khoan dung của một người còn có thể tiếp thâm nghị lực sống cho nhiều người khác. Giả sử trong lớp có một bạn bị phát hiện đã trộm cắp của người khác một món đồ có giá trị và bị trừ hạnh kiểm, nêu tên trước toàn trường. Nếu không có sự quan tâm của thầy cô, sự giúp đỡ của bạn bè, thì bạn học sinh đó thật khó có thể quay trở lại trường để tiếp tục đi học trong sự xoi mói, dè bỉu của những người xung quanh.

Bên cạnh đó, chúng ta cần lên án thái độ sống thờ ơ, vô cảm của một bộ phận các bạn trẻ hiện nay. Ngay trong những giờ kiểm tra, khi thấy bạn mình đang giở phao, quay cóp, chép bài, … nhiều người đã bỏ qua, làm ngơ. Đây thực sự là một điều đnág lo ngại vì nếu không có một tiếng nói khuyên nhủ, không có một lời cảnh báo, thì những sự việc trên sẽ lại một lần nữa tiếp tục xảy ra. Hậu quả là, những em học sinh gian lận trong thi cử sẽ có một thói quen xấu khó bỏ, mai này khi bước vào đời, hành trang kiến thức các em được chuẩn bị chỉ là con số không. Sự bao dung ở đây không phải là hành động bao che, tiếp tay cho bạn mình tiếp tục quay cóp, chép bài, … hoan dung chính là việc bản thân đưa ra nhũng lời khuyên, giúp đỡ bạn mình cùng nhau phấn đấu học tập.

Trong cuộc sống ai cũng cần có sự cảm thông, bao dung của người khác với mình và ngược lại. Lòng bao dung chính là một cách để bản thân hòa nhập với xã hội, khiến cho cuộc sống trở nên muôn màu hơn.

Nghị luận xã hội về lòng khoan dung – Bài làm 2

Trong cuộc sống, không ai là hoàn hảo. Ai cũng mang trong mình những yếu đuối rất con người. Và vì thế ai cũng cần được khoan dung…

Khoan dung là một phẩm chất đáng trân trọng của con người. Khoan dung là biết tha thứ, bỏ qua cho những sai lầm thiếu sót của người khác; là biết chấp nhận những yếu đuối sai phạm của người khác và giúp họ đứng lên sau vấp ngã. Khoan dung, còn nghĩa là tự tha thứ cho chính mình…

Khoan dung – ấy là khi bạn bỏ qua cho người lạ vừa vô tình dẫm lên chân bạn trên xe buýt. Khoan dung – ấy là khi tôi chân thành đón nhận lời xin lỗi của người bạn vừa khiến tôi buồn. Khoan dung – là khi người mẹ giang rộng vòng tay ôm lấy đứa con trai sau những chuỗi ngày lang thang, nay đã ân hận trở về. Khoan dung, nhiều cách biểu hiện, chung một trái tim: Nhân ái!!!

Vậy… tại sao phải khoan dung?

Trước hết, khoan dung là sự hiểu biết của một nhân cách cao đẹp, thể hiện một tâm hồn rộng mở, giàu lòng yêu thương. Bởi, chỉ khi biết mở rộng tấm lòng, chỉ khi tình yêu được nhân ái hoá, con người ta mới có thể quên đi những thiệt hại, những tổn thất của mình mà tha thứ cho người khác. Hãy xem cách dân tộc Việt Nam tha thứ cho kẻ thù xâm lược để thấy đưọc truyền thông nhân đạo, nhân ái của ông cha ta đáng khâm phục đến nhường nào. Trong “Bình Ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi viết:

Mã Kì, Phương Chính cấp cho 500 chiếc thuyền

Vương Thông, Mã Anh cấp cho hàng nghìn cỗ ngựa.

Trong “Tuyên ngôn độc lập” Bác đã khẳng định: “Tuy vậy, dân tộc Việt Nam trước sau vẫn giữ thái độ khoan hồng, nhân đạo với kẻ thù thất thế”…

Hẳn là khi viết lại những hành động khoan dung, nhân đạo ấy của dân tộc ta, các tác giả phải tự hào biết bao!

Không chỉ là biểu hiện của một tấm lòng nhân ái cao đẹp, lòng nhân ái đã thấm đượm tình người, khoan dung còn là phẩm chất của một con người biết mình biết ta. Không ai là không phạm sai lầm. Chính khi khoan dung với người khác là bạn đang chuẩn bị cho mình “một lối đi về”… Bởi cũng sẽ đến lượt bạn sa ngã, bạn phạm lỗi. Ai sẽ tha thứ cho bạn nếu bạn không từng biết tha thứ? Ai sẽ chấp nhận bạn nếu bạn từng không đoái hoài đến sự ăn năn hối lỗi của người khác? Và ai sẽ khoan dung với bạn nếu bạn chưa từng khoan dung với kẻ khác đây?

Vậy, không khoan dung với người khác là tàn nhẫn với chính mình…

Không những thế, bất cứ khi nào bạn khoan dung cho người khác là bạn đang rộng mở một đường về cho chính họ. Lòng khoan dung sẽ cảm hoá được lỗi lầm, là động lực thúc đẩy, khuyến khích họ nhận ra sai lầm và sửa chữa. Chỉ cần một ánh mắt thiện cảm thôi cũng đủ cho những người từng là tù nhân cảm thấy được đón nhận, sống có ý nghĩa hơn, chỉ cần một nụ cười khuyến khích cũng đủ đẻ những thanh niên vừa ra trại thấy mình không bị bỏ rơi, lạc lõng..

Tôi cực kì lên án thái độ thờ ơ lạnh nhạt của một số thanh niên hiện nay. Đối với những người đã từng phạm sai lầm giờ đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ, mòn mỏi sống trong sự ghẻ lạnh của không ít người. Chính sự thờ ơ, lạnh nhạt, chính lòng ích kỷ thiếu khoan dung ấy đang gián tiếp tiếp tay cho tội ác lan rộng. Như thế là đúng sao? Là văn minh, tiến bộ sao?

Những ánh mắt ghẻ lạnh ấy, những con người vô cảm ấy đang khiến xã hội này ngày càng thêm lạnh! Thiếu thốn tình cảm, thiếu thốn vị tha, lòng khoan dung,… tất cả sẽ chỉ còn là một xã hội vô tri, vô giác, lạnh lùng, vô cảm… Nhưng, vẫn còn đó những tấm lòng nhân ái, sống vì mọi người, biết tha thứ biết khoan dung góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, phát triển hơn, nhân ái hơn,…

Và chắc hẳn những người biết khoan dung đó sẽ luôn nhận được tình yêu thương, sự kính trọng của mọi người.

Khoan dung với người khác, rất cần thiết, nhưng chưa đủ! Tôi đau lòng khi không ít người tự dằn vặt mình, hành hạ tâm hồn và thể xác mình… vì họ cho rằng mình đã làm sai, mình không đáng được tha thứ. Đừng như thế. Biết nhận ra lỗi lầm là điều tốt, nhưng cứ sống mãi trong hoài niệm thế có tốt không? Tại sao không tự tha thứ và bắt đầu lại… một sự khởi đầu mới tốt đẹp hơn…?

Tuy nhiên cần biết phân biệt giữa khoan dung và bao che. Thật đáng buồn khi nhiều người tiếp tay cho tội ác mà cứ nghĩ là khoan dung. Nhìn thấy người bạn thân quay cóp bài, một lần, hai lần, rồi ba lần… làm ngơ bỏ qua, hi vọng bạn tự biết sửa chữa. Khoan dung đây ư?

Xin nhắc lại, khoan dung là tha thứ chứ không là bao che.

Khoan dung – là chấp nhận những yếu đuối của người khác và giúp họ sữa chữa – không có nghĩa là tiếp tay cho họ. Mỗi người hãy học cách khoan dung với bản thân, với người khác bằng lòng nhân ái, bằng đức hi sinh. Không chỉ biết khoan dung, bên cạnh đó, việc giúp người khác (hay chính mình) nhận ra sai lầm, định hướng sửa chữa, cũng là điều rất quan trọng.

Vâng! Tôi cũng không phải là một người hoàn hảo. Bản thân tôi cũng từng mắc sai lầm… đó là khi tôi không học bài và bị điểm kém…. tôi đã vô tình khiến bốmẹ và thầy cô thất vọng… Là khi tôi trách nhầm đứa bạn… là khi tôi đã dửng dưng trước những ánh mắt thơ ngây cầu xin sự giúp đỡ của những em bé đánh giầy tội nghiệp…

Nhưng nhờ đó tôi cũng rút ra bài học cho bản thân mình… đó là khi nhìn thấy ánh mắt buồn của mẹ, tôi biết mình cần cố gắng. Là khi nhận được lời giải thích, cái ôm xiết chặt của nhỏ bạn, tôi biết mình cần suy nghĩ chín chắn hơn. Là khi tôi nhận được sự giúp đỡ của những em nhỏ đánh giầy nhặt giúp tôi chiếc ví mà tôi đã vô ý đánh rơi, tôi biết mình cần rộng lượng… Sau những vấp ngã, tôi vẫn được đón nhận, được yêu thương.

Chính tình yêu, sự tha thứ của mọi người khiến tôi đứng lên sau những thất bại. Và tôi tin là lòng khoan dung có sức mạnh cảm hoá mãnh liệt…

Chính vì vậy, để cuộc sống tươi đẹp và giàu tình người hơn. Mỗi chúng ta hãy sống một cách chân thành, luôn bao dung và độ lượng với những người xung quanh. Khi đó, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống thật đẹp và ý nghĩa.

Nghị luận xã hội về lòng khoan dung – Bài làm 3

Trong cuộc sống thứ tha là bài học mà mỗi người chúng ta cần phải học hỏi và không ngừng rèn luyện. Ai cũng có lúc mắc sai lầm, quan trọng là bản thân biết hối lỗi, sửa sai. Những lúc như vậy, lòng khoan dung, rộng lượng đối với những sai lầm đó là điều đáng làm.

Khoan dung là gì? Khoan dung chính là biết thứ tha, rộng lượng đối với sai lầm của người khác và quan trọng hơn nữa là lòng khoan dung đối với bản thân mình. Khi có thể tự khoan dung cho chính mình thì chúng ta mới có thể rộng lượng hơn với những người xung quanh. Bởi vậy mới thấy được lòng khoan dung là điều vô cùng cần thiết mà mỗi người chũng ta cần cố gắng để có được, nó thực sự là đức tính tốt và giúp ích lớn cho bạn sau này.

Xã hội chúng ta ngày càng phát triển, con người ngày dường như bị lôi kéo vào guồng quay của cuộc sống, bị những thứ phù du làm mờ mắt. Sai lầm cũng từ đó mà thành, mà nên. Tuy nhiên nếu như họ thực sự hối lỗi, thực sự cải tà quy chính thì chúng ta cũng nên rộng lượng hơn để thứ tha. Người xưa có câu đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại. Nếu chúng ta biết quan tâm, biết bao dung và rộng lượng hơn với lỗi lầm của người khác thì bản thân mình cũng ngày càng hoàn thiện hơn.

Hẳn bạn đã từng đọc tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao thì sẽ nhớ đến nhân vật Chí Phèo. Chí Phèo là người có bản tính lương thiện, tuy nhiên chính xã hội, chính con người đã đẩy hắn vào con đường cùng. Câu cuối cùng mà Chí Phèo nói trước khi chết chính là “Ai cho tao làm người lương thiện”. Như vậy vì xã hội và con người không bao dung, không rộng lượng, không thứ tha cho lỗi lầm của Chí Phèo nên hắn mới rơi vào tình trạng bi thảm như vậy.

Qua câu chuyện này chúng ta mới thấy được rằng lòng khoan dung không bao giờ là thừa, lòng khoan dung sẽ tạo cơ hội cho bạn và cho chúng ta ngày càng hoàn thiện hơn nữa.

“Nhân vô thập toàn”, ý câu nói này chính là không ai là hoàn hảo hết, ai cũng có lúc mắc sai lầm. Nhưng quan trọng bạn biết lỗi, sửa lỗi thì bạn sẽ thấy được rằng mình đang ngày càng thanh thản, ngày càng thấy được rằng bản thân đã bao dung hơn nhiều.

Cuộc sống này sẽ ngày càng tốt đẹp hơn nếu như chúng ta biết bao dung, bỏ qua cho nhau lỗi lầm để cùng hoàn thiên nhau hơn. Mỗi người cố gắng một ít, thì chắc chắn rằng xã hội này sẽ văn minh hơn nhiều.

Ngược lại nếu chúng ta không biết bao dung, cảm thông và san sẻ cho nhau những lỗi lầm đã qua thì tự mình ôm về mình nhiều ấm ức, căm ghét…trong lòng không bao giờ được thanh thản. Bởi vậy sống bao dung bạn sẽ thấy được rằng thứ tha là đức tính cần có của mỗi người. Rèn luyện nó từ những việc nhỏ nhất thì bạn sẽ thấy được rằng bản thân mình trưởng thành lên rất nhiều từ việc học tập và rèn luyện đức tính này.

Thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước, chúng ta cần có một cái nhìn bao dung, độ lượng và biết thứ tha đối với người xung quanh. Có như vậy bản thân mới thấy được rằng tha thứ không phải là không thể, dù lỗi lầm đó có lớn thế nào, vì qua đó bản thân sẽ thấy thanh thản hơn rất nhiều.

Quả vậy, lòng khoan dung, độ lượng đối với mỗi người trong cuộc sống là điều cần thiết phải có. Hãy rèn luyện nó hằng ngày để hoàn thiện bản thân mình.

Nghị luận xã hội về lòng khoan dung – Bài làm 4

Người xưa thường nói “Nhân vô thập toàn” để muốn nói rằng con người không có ai là hoàn hảo, không có ai là không từng mắc sai lầm. Những lúc này lòng khoan dung, độ lượng là điều cần thiết để có thể giải quyết mọi vấn đề.

Lòng khoan dung chính là một đức tính tốt, là sự thứ tha, biết chấp nhận, bỏ qua cho lỗi lầm của người khác khi họ biết lỗi. Khi có lòng khoan dung chính bản thân mình cũng thấy thoải mái và dễ chịu hơn.

Thực ra hiểu về lòng khoan dung cũng không phải quá khó khăn hay quá cao siêu. Nó rất gần gũi với đời sống của con người hằng ngày. Khoan dung với bạn bè, với người thân và khoan dung với chính mình là điều cần thiết để tạo nên sự gắn bó, tạo sự hiểu nhau và sống tốt hơn. Lòng khoan dung không chỉ là sự thứ tha mà còn là sự cưu mang, giúp đỡ những người đang đi không đúng đường, đưa họ trở về với cuộc sống tốt đẹp hơn.

Vốn dĩ chúng ta vẫn nghĩ khoan dung chính là tha thứ, nhưng đôi khi nó lại không như vậy. Khoan dung đôi khi còn là cách nhìn nhận sự việc, sự vật, thái độ của mình đối với những người ở xung quanh chúng ta.

Chúng ta sống trong xã hội này không ai là hoàn mỹ, tuyệt đối; bởi vậy cớ sao không để lòng khoan dung kéo mọi người lại gần với nhau hơn. Ai cũng mắc phải những lỗi lầm, quan trọng là biết lỗi và sửa lỗi thì mọi chuyện vẫn có thể tốt đẹp lên. Chúng ta cần phải độ lượng, phải nhìn vào thái độ của người ta để mở lòng rộng lượng thứ tha.

Trong trường học, có nhiều bạn học sinh cá biệt, chuyên đi gây gổ, đánh nhau với các bạn không còn đi học nữa. Thầy cô đã rất nhiều lần bảo bạn ấy viết bản tự kiểm điểm và không được tái phạm. Nhưng ngựa theo đường cũ nên ngày này qua tháng khác, bạn vẫn không bỏ được thói hư tật xấu đó. Thầy cô vẫn không đuổi bạn ấy ra khỏi trường, tìm mọi biện pháp để đưa bạn trở lại với môi trường học đường lành mạnh hơn. Đây cũng chính là một biểu hiện của lòng khoan dung, độ lượng mà thầy cô đã dành cho bạn ấy.

Nếu không có lòng khoan dung thì xã hội này đã không được tốt đẹp như bây giờ. Khoan dung sẽ khiến cho con người gần nhau hơn, có thể tạo điều kiện và cơ hội để họ có thể trở lại làm người tốt.

Một người mắc sai lầm nhưng một người lại không chịu tha thứ, phải xoi mói, phải tìm điểm hạn chế của người đó để gây khó dễ thì mối quan hệ giữa hai người càng trở nên căng thẳng, mệt mỏi hơn. Không ai được thanh thản vì cứ giữ sự cố chấp ở trong lòng. Nếu có thể thứ tha được thì hãy thứ tha, vì có lẽ khi đó bản thân người được tha thứ và người đồng ý tha thứ sẽ thanh thản hơn rất nhiều.

Khoan dung với người khác, bạn cũng sẽ thấy lòng mình thanh thản và thoải mái hơn rất nhiều. Dù sự tha thứ rất khó khăn nhưng không phải là không thể, chúng ta có thể cởi bỏ ràng buộc cho người khác và cho chính bản thân mình.

Khoan dung không bao giờ là thừa, vì nó sẽ khiến cho tình cảm giữa người với người thêm gắn bó khăng khít hơn.

Không những là khoan dung với người khác và khoan dung cho chính bản thân mình cũng quan trọng không kém. Lúc đó bạn sẽ thấy được rằng ở bất kỳ nơi đâu, ở xã hội nào thì lòng khoan dung là nền tảng của rất nhiều mối quan hệ.

Đối với những người trẻ thì học cách tha thứ, học cách khoan dung là điều cần phải rèn luyện để có thể hoàn thiện bản thân mình hơn.

Để xã hội này tốt đẹp hơn và mối quan hệ giữa mỗi người cũng ngày càng bền chặt thì lòng khoan dung là điều cần thiết mà chúng ta cần phải rèn luyện hằng ngày. Tha thứ cho nhau, tha thứ cho bản thân mình sẽ giúp cuộc sống này tràn ngập tình yêu hơn.

Nghị luận xã hội về lòng khoan dung – Bài làm 5

Trong cuộc sống mỗi con người, chắc không có ai là chưa từng mắc lỗi. Điều chúng ta cần làm là biết nhận lỗi và sửa lỗi. Tuy nhiên, chỉ bản thân chúng ta cố gắng là chưa đủ, mà cần có sự cảm thông của những người xung quanh. Hay bản thân chúng ta cũng cần có cái nhìn tích cực hơn đối với những người mắc lỗi mà cố gắng sửa lỗi. Hãy biết khoan dung.

Khoan dung là biết tha thứ, cảm thông với những lỗi lầm của người khác, với những điểm chưa tốt của người khác, và của chính mình.

Khoan dung, là đôi khi không nên quá nghiêm khắc với bản thân mình. Khi bản thân mình mắc lỗi, nhận ra lỗi, đó đã là một sự tiến bộ rất lớn rồi. Sau khi đã rút ra được bài học, hãy cố gắng để sửa sai, để làm tốt hơn, chứ đừng tự dằn vặt mình quá nhiều để rồi suốt ngày chìm đắm trong cảm giác tội lỗi, cuối cùng cũng chẳng đem lại tác dụng gì. Có những bạn trẻ, chỉ vì quá dằn vặt bản thân, mà cuối cùng kết thúc cuộc sống của mình trong sự thương tâm của bạn bè, gia đình, xã hội. Đó là điều không nên, và cũng không ai mong muốn.

Khoan dung, còn là có cái nhìn bao dung hơn với những lỗi lầm của người xung quanh. Cái mỉm cười khi nhận được lời xin lỗi từ một người chẳng may va phải bạn trên đường sẽ làm cho mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn. Trong cuộc sống ngày càng phát triển, con người ta càng ngày càng bận rộn để bắt kịp với guồng quay của xã hội. Và chính vì cuộc sống mưu sinh đã làm cho người ta quên đi mất những giá trị của cuộc sống. Những sai lầm cũng từ đó mà sinh ra. Khi họ đã nhận ra và muốn sửa chữa lỗi lầm, chúng ta cần phải bao dung hơn với những người đã biết hướng thiện, biết sửa sai. Với những người từ trong lao tù trở lại xã hội, có những người nhận được sự cảm thông của những người xung quanh, từ đó làm lại cuộc đời, có một cuộc sống mới tốt đẹp. Nhưng cũng có những người, chính vì xã hội không chấp nhận họ, cộng đồng không chấp nhận mà đẩy họ vào đường cùng, đẩy họ quay lại vòng tội lỗi. Chí Phèo đã phải thốt lên đầy đau đớn trước khi kết thúc cuộc đời của chính mình: “ Ai cho tao làm người lương thiện?” Câu hỏi đầy xót xa, đau đớn của một người được coi là “con quái vật của làng Vũ Đại” – Nếu như xã hội bao dung hơn, biết đâu, tương lai sẽ có một anh Chí hiền lành, tốt bụng với mọi người…

Trong cuộc sống, chúng ta nên khoan dung hơn với những lỗi lầm của người khác, cũng như chính bản thân mình. Khi người ta biết khoan dung, cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn, tâm hồn mỗi người cũng trở nên thanh thản hơn. Cuộc sống ít đi những trách móc, ít đi những cãi vã sẽ trở nên yên bình hơn biết bao nhiêu. Tình cảm con người cũng từ đó mà thắt chặt, người với người đến gần nhau hơn.

Tuy nhiên, khoan dung không đồng nghĩa với bao che. Giúp bạn bè giấu đi lỗi lầm không phải là điều tốt. Làm như thế, có thể khiến bạn mình tránh khỏi phải chịu trách nhiệm lần này, nhưng đâu thể che giấu cho nhau được mãi. Chỉ ra cho bạn điểm sai, để sửa sai, ấy mới là giúp bạn. Có những người giúp bạn làm bài tập, để bạn được điểm cao khi cô kiểm tra vở, nhưng lần sau, nếu cô gọi lên bảng làm bài, thì người ấy làm sao làm hộ bạn mình được nữa. Điều cần làm là phải giúp bạn hiểu bài và tự mình làm được bài, thế mới là giúp bạn.

Ông cha ta đã có câu, “nhân vô thập toàn”, nghĩa là không ai có thể hoàn hảo cả. Ai cũng từng mắc lỗi, ai cũng từng có sai lầm, hãy bao dung hơn với lỗi lầm của người khác, bao dung hơn với những người đã, đang và sẽ cố gắng sửa chữa lỗi lầm của mình, để cuộc sống của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn.

Nghị luận xã hội về lòng khoan dung – Bài làm 6

Nhạc Trịnh Công Sơn lôi cuốn người nghe không chỉ ở giai điệu lắng sâu, da diết mà còn gây ấn tượng bởi ca từ giàu ý nghĩa. Chỉ một câu hát “Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống, vì đất nước cần một trái tim” cũng khiến cho ta phải nghĩ suy. Thì ra, trong mỗi con người không gì quan trọng bằng trái tim, nhịp thở, cũng như trong cuộc sống không có gì ý nghĩa bằng tấm lòng nhân hậu, bao dung. Từ đó, ta càng thêm thấm thía lời Phật dạy: “Tài sản lớn nhất của con người chính là lòng khoan dung”.

Ca dao Việt Nam xưa đă có câu:

“Nhắn ai trong cõi hồng trần

Làm người phải lấy chữ nhân làm đầu ”

Con người tồn tại trong xã hội không phải là những chiếc bóng âm thầm, lặng lẽ như cơn mưa rào chợt đến chợt đi, mà chúng ta, với mỗi chữ “nhân” của mình, đang nỗ lực sống hoà họp, đùm bọc lẫn nhau để cuộc sống này ngày một thêm ý nghĩa. Muốn được như vậy, mỗi người phải mở rộng lòng ra để trao cho nhau tình yêu thương, lòng khoan dung, nhân ái. Tục ngữ Ba Lan đã khẳng định: “Sự khoan dung là món trang sức của đức hạnh”, có tôn giáo lại cho rằng: “Khoan dung là mĩ đức, thể hiện cái Thiện nơi người thường”. Dầu cho cách nói khác nhau nhưng suy cho cùng, tất cả đều thừa nhận rằng “khoan dung” là một từ chỉ hành động hiểu biết, cảm thông và tha thứ, đó không phải là một phẩm tính chỉ được dùng cho người khác mà nó cần được dùng cho cả chính bản thân mỗi người. Nói như vậy cũng không có nghĩa thừa nhận “khoan dung” là phẩm tính của người cao hơn ban cho người thấp hơn, hay của một người tốt ban cho kẻ xấu. Bởi dòng đời vô tận luôn chảy trôi giữa bao điều trái ngược, có khi kẻ bần cùng sát đất lại là người khoan dung cho kẻ ngồi trên cao. Do đó, dưới nhiều góc độ khác nhau, khoan dung lại có những vai trò khác nhau trong cuộc sống con người.

Điều đầu tiên, cũng là điều dễ nhận thấy ở một người có lòng khoan dung là họ dễ dàng dẹp đi những chướng ngại vật trong tâm hồn và trước mắt mình, để tìm đến một cuộc sống nội tâm êm đềm, thanh thản. Có lẽ chăng vì thế mà “người hạnh phúc nhất là người không bao giờ giận”? Bạn thấy đấy, một khi xoá bỏ hết những hận thù, những ganh tị không đáng kể trong lòng, người ta thấy thật nhẹ nhõm, thoải mái, bỗng dưng lạc quan, yêu đời hơn bao giờ hết. Cuộc sống còn nhiều điều bí ẩn cần khám phá, tại sao ta không tìm niềm vui từ đó, thay vì ôm mối hận thù vô nghĩa trong lòng? Một cánh cửa khép vào lại có cánh cửa khác mở ra. Khi ta đóng kín những ý nghĩ tầm thường ở tận đáy lòng, ta sẽ hé mở những cảm xúc thi vị, mới mẻ, thánh thiện trong tâm hồn.

Thì ra, khoan dung cho kẻ khác còn là khoan dung cho chính mình, là sự cảm thông sâu sắc cho bản thân và cho những người xung quanh. Như Bác Hồ đã nói thì “Năm ngón tay cũng có ngón dài, ngón ngắn, nhưng cùng trên một cánh tay. Trong mấy triệu người, cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này thế khác đều là đòng dõi tổ tiên ta, nên ta phải khoan dung, thông cảm”. Cũng như thế, trong xã hội có nhiều mối quan hệ phức tạp, có khi không thể dung hoà được ngay, chẳng hạn như quan hệ mẹ kế – con chồng. Nhưng nếu ta mở lòng đón nhận, vượt qua mọi rào cản từ lâu đã trở thành quy luật của lẽ thường “Mấy đời bánh đúc có xương / Mấy đời đi ghẻ lại thương con chồng ”, để cảm thông, thấu hiểu lẫn nhau, thì ta vẫn có một tình mẫu tử thiêng liêng, tốt đẹp. Dễ hiểu vì sao tác giả Nguyễn Thị Thiếu Anh đã làm thơ ca ngợi mẹ kế mình:

Công sinh thành, tôi dành cho mẹ đẻ

Vốn từ lâu bất hạnh đã qua đời

Ơn nuôi dạy, tôi dành cho mẹ ghẻ

Mẹ thứ hai – người mẹ kế tuyệt vời!

Ngoài ra, bao dung dung còn biểu hiện cho một tâm hồn vị tha, là đức tính cao thượng, không cố chấp, sẵn sàng tha thứ cho mọi tội lỗi. Phải chăng vì thế mà điều đó trở nên cần thiết trong cuộc sống? Có người nói “Tha thứ là sự trả thù vinh quang nhất” quả không sai. Bởi vì lòng nhân ái, bao dung vẫn luôn là món quà cứu độ cho kẻ tội lỗi, giúp con người vượt qua mọi thử thách. Khoan dung, nhân ái là truyền thống nhân văn của dân tộc Việt Nam qua hàng ngàn năm lịch sử. Như mọi người đều thấy, lịch sử Việt Nam gắn liền với lịch sử đấu tranh chống xâm lược. Sau những chiến thắng vĩ đại, ta vẫn không quên mở lòng bao dung, tha thứ, chuẩn bị lương thảo, thuyền bè cho quân giặc trở về nước. Điều này một lần nữa đã được đúc kết trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945: ‘Tuy vậy, đối với người Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng nhân đạo. Sau cuộc biến động ngày 9 tháng 3, Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thuỳ, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật và bảo vệ tính mạng, tài sản cho họ”. Hoà bình vẫn luôn là khát vọng cháy bỏng của nhân loại, bởi trong thực tế, chưa có một ngày nào trong mấy nghìn năm qua con người được sống trong thế giới hoà bình. Sau những nỗ lực tìm kiếm, khi bước vào thiên niên kỉ mới, con người mới thấm thía được rằng “không thể giải quyết mọi tranh chắp, xung đột bằng vũ khí, phải có sự cảm thông hiểu biết, vị tha, đối thoại bằng văn hoá khoan dung”. Cũng như F.Voltaire đã từng nhận định: Sự bao dung là một vị thuốc duy nhất để chữa những lỗi lầm đang làm bại hoại con người khắp trong vũ trụ”. Nhận thức được điều đó, Đảng và Nhà nước hàng năm vẫn có những chính sách khoan hồng cho những tội phạm thành thật khai nhận tội danh của mình và có những dịp đặc xá cho những tù nhân cải tạo tốt. Chẳng phải là ta đang mở đường cứu sinh cho những con người biết cúi đầu sửa chữa đó sao? Vị tha không chỉ mang lại tia hi vọng sống sót cho những sinh mạng, mà còn đem lại cho mỗi con người một lâu đài công đức, đúng như có người đã nói: “Cứu vớt một người còn hơn xây bảy toà tháp”.

Ngược lại, nếu cuộc sống con người không có sự bao dung, độ luợng thì sẽ vắng bóng tình người. Bản thân mỗi người sẽ trở nên ích kỉ, nhỏ nhen, thực dụng, đôi khi trở thành tội phạm vì “giận quá mất khôn”. Đối với những người làm nhiều điều sai trái, nếu ta không tha thứ, khuyên ngăn thì một lúc nào đó họ sẽ bị dồn đến đường cùng, trở thành mãnh thú vô cùng tàn nhẫn. Đó là nguyên nhân vì sao ngày nay, người ta vẫn sống trong một nền hoà bình “nóng”. Nhiều nơi trên thế giới, từng phút từng giờ vẫn diễn ra những cuộc chiến tranh đẫm máu, kéo dài hơn cả hai cuộc đại chiến thế giới trong quá khứ. Theo thống kê, năm 2006 được coi là một năm đẫm máu của Afganixtan với hơn 100 vụ đánh bom liều chết và bạo lực khủng bố làm 3700 người chết, trong đó có hơn 1000 dân thường vô tội. Tại Uzobekixtan, các lực lượng Hồi giáo li khai và cực đoan hoạt động mạnh gây ra các cuộc đánh bom khủng bố, biểu tình, bạo loạn, ở Thái Lan, tình hình chính trị cũng bất ổn không kém. Lực lượng chống Chính phủ tìm cách cản trở mọi hoạt động chính trị của Chính phủ bằng cách biểu tình ở sân bay quốc gia, bạo loạn trước toà nhà Quốc hội… Tất cả đều bắt nguồn từ mâu thuẫn về lãnh thổ, sắc tộc, tôn giáo… Thiếu một bộ phận trên cơ thể, cuộc sống con người sẽ khó khăn, nhưng thiếu một trái tim nhân ái bao dung, con người sẽ sống mà không còn tình người. Thật vậy, không có sự cảm thông, vị tha đúng lúc, con người sẽ như ở hai đầu của một cái lò xo bị bật xa dần về khoảng cách.

Bao dung, với giá trị sâu sắc của nó, được ví như một sợi dây vô hình nối trái tim với trái tim, làm cho cuộc sống giàu tình thương, xã hội hoà bình, thân ái. Dầu vậy, chúng ta không nên cho rằng bao dung là nhân nhượng, là chùn bước, dễ dàng đầu hàng cái xấu, cái ác, mà nên hiểu theo nghĩa tích cực của câu “Một điều nhịn là chín điều lành”. Thế cho nên, Phật mới dạy rằng: Tài sản quý giá nhất của đời người chính là lòng bao dung.

Cuộc sống luôn là cho và nhận, như nhà thơ Tố Hữu đã viết “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Nếu ta biết cho đi sự tha thứ, sự cảm thông, ta sẽ nhận về một cuộc sống bình yên, thanh thản.

Related Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *