Cổ ngữ: Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy? – Một lời nói ra dù bốn ngựa khó đuổi

Người quân tử luôn cẩn thận với ngôn hành, từ lời nói cử chỉ nhỏ cũng nhất tâm lưu ý, không dám khinh suất. Có câu tục ngữ: “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”. Một lời nói ra dù bốn ngựa khó đuổi. Vậy nên, lời đã nói ra rồi thì thì lấy lại sẽ không còn kịp nữa.

Nói chuyện cũng là một loại tu dưỡng. Vậy nên, muốn trở thành một người giỏi nói chuyện thì bản thân ắt cần phải tu dưỡng tâm tính, học cách lắng nghe và thấu hiểu người khác. Có như vậy mới học được sự khiêm nhường và tôn kính trong đối nhân xử thế. Người xưa dạy “uốn lưỡi bảy lần” trước khi nói cũng chính là ý như vậy.

1. Không nói những lời tức giận: Con người đang lúc tức giận thường không tự chủ được mà nói ra những lời giận dữ, khi không thể kiểm soát lời nói trong lúc nóng giận thường khó nghe, đôi khi nó sẽ làm tổn thương đến người khác.

2. Không nói những lời chán nản, thối chí: Cuộc sống đôi khi cần những lời cổ vũ động viên hơn là những lời làm nhụt chí. Đôi khi không có người khích lệ thì cũng nên tự khích lệ bản thân mình.

3. Không nói những lời oán trách: Những lời bất mãn thường gây ra nhiều bất hòa, thị phi, thậm chí cả người trong cùng gia đình cũng không tránh khỏi. Sau khi sự việc qua đi, cuối cùng bạn sẽ thấy đó là tự mình làm khổ mình.

4. Không nói những lời tổn thương: Lời tổn thương người khác có thể làm người khác tổn thương nhất thời, nhưng thực ra lại hại chính mình.

5. Không nói những lời khoe khoang: Khoe khoang thực tế chẳng được lợi ích lâu dài, trái lại còn làm mình bị tổn thương, người nghe cũng không thấy đồng tình.

6. Không nói những lời ngông cuồng: Nói nhiều lời ngông cuồng, thường xuyên sẽ gặp hối hận. Người hành sự ngông cuồng, họa phúc tự phải gánh.

7. Không tiết lộ những chuyện riêng tư của người khác: Sống trên đời có rất nhiều chuyện bí mật, từ gia đình cho đến quốc gia đại sự, người có bí mật của người, công việc cũng có bí mật của công việc.

Có những chuyện được coi là riêng tư không thể nói ra, việc riêng của người khác cũng không thể mang ra nói lung tung, nếu biết được một hai thì cũng nên giữ, bạn được người khác tin tưởng nên mới có thể được đối phương tiết lộ. Có những điều bí mật là có ảnh hưởng rất lớn, nên không thể tùy tiện nói ra, cũng không thể để chính mình làm mất đi lòng tin từ người khác.

Lễ ký – Khúc lễ hạ có câu: “Thị ư quân tử, bất cố vọng nhi đối, phi lễ dã” – Lời nói phát xuất từ tâm, bậc trí giả cẩn thận nói năng, đáng nói thì mới nói, khi thích hợp thì mới nói. Khi nói chuyện với người quân tử, với người bề trên, nếu chưa đến lượt mình mà lại vội nói trước, đó là vội vàng hấp tấp. Không để ý đến nét mặt người ta, xem xét tâm ý người ta, mà cứ nói ý mình thì đó là khinh suất.

Người quân tử cẩn thận với ngôn hành, không nói lời không nên nói, cũng không làm việc không nên làm. Thứ nhất, là để tránh không bị người ta bắt thóp, gây ra chuyện thị phi; thứ hai, chính là tu dưỡng cá nhân của người quân tử.

Người xưa có câu: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” – tất nhiên, “lựa lời” ở đây không bảo bạn là phải ăn nói một cách “khôn khéo, giả tạo”, mà cần cân nhắc lời nào nên nói, lời nào không nên nói, đừng “xát muối” vào người khác.

Đừng dễ dàng hứa hẹn những việc mà mình không làm được, nếu không mọi người sẽ cảm thấy bạn là một người “nói mà không làm được” và họ sẽ mất niềm tin vào bạn. Ngược lại, nếu bạn chỉ hứa những việc mà mình chắc chắn làm được, mọi người sẽ cảm thấy bạn là một người “nói là làm”, và đặt niềm tin vào bạn.

Dùng thiên lý, lương tâm yêu cầu chính bản thân thì là giảng đạo, còn áp đặt yêu cầu lên người khác thì chính là đang mạ lỵ người ta. Khi giao tiếp với mọi người, lời chúng ta nói ra chính là một cách tu hành thâm nhập thực tế, những lời nói tốt đẹp chính là hành động thiện lành nhất. Vì thế người nói, người nghe hay người ngoài cuộc mà vô tâm khiêu khích cũng sẽ tạo ra một sự ác ý tuần hoàn. Vì vậy, có thể nói tin đồn sẽ dừng ở người khôn ngoan.

Từ Thanh

Related Posts