Fansipan – Wikipedia tiếng Việt

FansipanĐộ cao3.147,3 m [1]Phần lồi1,613 mVị tríVị tríViệt Nam 22°18′15″B 103°46′37″Đ / 22,304276°B 103,777063°Đ / 22.304276; 103.777063Dãy núiHoàng Liên SơnĐịa chấtTuổi đáKỷ Permi – Kỷ Tam ĐiệpLeo núiHành trình dễ nhấtĐi bằng cáp treo

Fansipan (còn được viết là Phan Si Păng hay Phan Xi Păng) là đỉnh núi cao nhất của Việt Nam, nằm trên dãy núi Hoàng Liên Sơn ở vùng Tây Bắc Bộ Việt Nam. Đỉnh núi có độ cao tuyệt đối là 3147,3 m. Fansipan cũng là đỉnh núi cao nhất của bán đảo Đông Dương và được mệnh danh là “Nóc nhà Đông Dương”.

Từ nguyên

Nguồn gốc của từ Fansipan chưa rõ ràng. Nhiều nguồn cho biết một tên khác của đỉnh Fansipan là Hủa Xi Pan và khẳng định tên gọi này có gốc Quan thoại, nghĩa là “phiến đá khổng lồ chênh vênh“.[2][3] Có giả thuyết khác cho rằng cái tên này là tiếng H’mông, có nghĩa là núi Đỗ quyên vì sự phổ biến của cây đỗ quyên và các loài thực vật thuộc chi Rhododendron trên núi.[3] Cũng có ý kiến cho rằng cái tên này là lối đọc trại của Phan Văn Sơn, tên một viên quan địa lý nhà Nguyễn, năm 1905 đã cùng người Pháp đi vẽ bản đồ, phân định biên giới Việt Nam với nhà Thanh.[3]

Địa lý

Fansipan là đỉnh núi cao nhất trong dãy núi Hoàng Liên Sơn, nằm ở biên giới tỉnh Lào Cai và tỉnh Lai Châu. Về mặt hành chính, đỉnh Fansipan thuộc địa giới của cả huyện Tam Đường (Lai Châu) và thị xã Sa Pa (Lào Cai), cách trung tâm thị xã Sa Pa khoảng 9 km về phía tây nam. Chiều cao của đỉnh núi đo đạc vào năm 1909 là 3143 m, tuy vậy theo số liệu mới nhất của Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đưa ra vào cuối tháng 6 năm 2019, đỉnh núi cao 3147,3 m.[1]

Đây cũng là điểm cao nhất của ba nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia) nên Fansipan còn được mệnh danh là “Nóc nhà Đông Dương“.

Lịch sử kiến tạo địa chất

Fansipan được hình thành vào thời kì chuyển tiếp của hai kỷ Permi và Tam Điệp của Đại Cổ sinh (Paleozoi) và Đại Trung sinh (Mesozoi) cách nay 260-250 triệu năm.[4] Dãy núi Himalaya, kể từ Đại Trung sinh muộn, đã nâng cao thêm đỉnh Fansipan và dãy Hoàng Liên Sơn, và tạo ra đứt gãy sông Hồng về phía đông.

Bia đỉnh núi

Mốc đánh dấu hình kim tự tháp bằng kim loại ban đầu được các kỹ sư người Liên Xô chế tạo và lắp đặt tại đây vào năm 1985. Chuyến thám hiểm leo núi nghiệp dư này là chuyến đầu tiên kể từ cuối thời kỳ thuộc địa và chính thức diễn ra vào dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Chiến thắng của Liên bang Xô Viết trước Phát xít Đức.

Hệ thực vật

Hệ thực vật ở Fansipan khá phong phú. Có tới 1.680 loại cây chia làm 679 chi thuộc 7 nhóm. Có một số loại thuộc nhóm quý hiếm. Dưới chân núi là những cây gạo, mít, cơi với mật độ khá dày tạo nên những địa danh Cốc Lếu (Cốc Gạo), Cốc San (Cốc Mít), vân vân. Từ đây đến độ cao 700m là vành đai nhiệt đới có những vạt rừng nguyên sinh rậm rạp, dây leo chằng chịt. Từ 700m trở lên là tầng cây hạt trần như pơmu, có những cây ba, bốn người ôm không xuể, cao 50-60m, tuổi đời tới vài trăm năm. Từ độ cao 2.800m, phủ kín mặt đất là trúc lùn, những bụi trúc thấp khoảng 25-30cm, cả thân cây trơ trụi, phần ngọn có một chút lá phất phơ, nên loài trúc này được gọi là trúc phất trần. Xen kẽ là một số cây thuộc các họ như cói, hoa hồng, hoàng liên.

Thư viện ảnh

Chú thích

Xem thêm

  • Sa Pa
  • Danh sách các núi cao nhất thế giới
  • Danh sách điểm cực trị của Việt Nam

Liên kết ngoài

  • Fan Si Peak

Related Posts