Đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH: Riêng hay chung?

Trong khi đó, các cơ sở đào tạo đều đã dự liệu hướng đi riêng cho mình.

Để các trường tự chủ tuyển sinh

TS Lâm Thành Hiển – hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng – cho rằng đã đến lúc bỏ việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh ĐH vì mục đích của hai kỳ thi hoàn toàn khác nhau. Việc thực hiện kỳ thi “2 trong 1” luôn gây ra nhiều khó khăn cho người ra đề và thí sinh, luôn có nhiều sự cố xảy ra do đề thi không đảm bảo tính phân loại thí sinh.

Năm nay Trường ĐH Lạc Hồng chỉ sử dụng 30 – 50% chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. “Cần thay đổi cách tuyển sinh, tăng tự chủ cho các trường để các trường có thể chủ động xét tuyển toàn diện hơn để đảm bảo các trường tuyển chọn người học phù hợp với mục tiêu đào tạo và sứ mạng của trường, và học sinh chọn được đúng ngành nghề và ngôi trường mà mình yêu thích.

Theo đó, các trường ĐH có quyền sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau như xét học bạ kết hợp phỏng vấn hay bài viết về niềm mong ước của học sinh; sử dụng điểm thi đánh giá năng lực của trường tự tổ chức hay của các trung tâm khảo thí quốc gia” – ông Hiển nói.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng cho rằng nhìn lại 5 năm thực hiện kỳ thi THPT quốc gia cho 2 mục đích và 2 năm thi tốt nghiệp nhưng vẫn sử dụng kết quả tuyển sinh ĐH cho thấy cách làm này cần thay đổi.

Vì không thể ra đề thi thỏa mãn được yêu cầu xét tốt nghiệp, đánh giá năng lực chung ở bậc phổ thông và xét tuyển ĐH. Nhưng nếu vẫn duy trì thì nhiều cơ sở đào tạo vẫn lệ thuộc vào kỳ thi này, không mạnh mẽ thực hiện tự chủ.

Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, năm 2021 nhiều cơ sở đào tạo lớn cũng chỉ còn dành rất ít chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp. Xu thế tập hợp theo nhóm xét tuyển, sử dụng kết quả từ phương thức tuyển sinh chung cũng là hướng khả thi trong các năm tới.

“Trường ĐH Bách khoa Hà Nội áp dụng bài thi đánh giá tư duy vì xét thấy cần phải có sự sàng lọc cao hơn so với việc xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT và kết quả thu nhận rất tốt. Mục tiêu của chúng tôi là gọn nhẹ, không vất vả vì thời gian chỉ thi trong một ngày.

Ngoài ra, phải hạn chế dạy thêm, học thêm. Tuy nội dung câu hỏi trong đề nằm trong chương trình phổ thông nhưng sẽ tập trung kiểm tra năng lực chứ không kiểm tra kiến thức đơn thuần” – ông Điền nói.

Ông Điền cũng khẳng định Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẵn sàng chủ trì tổ chức kỳ thi cho khoảng 20 trường khác tham gia.

“Không có gì quá khó để xử lý. Chúng tôi có ngân hàng câu hỏi thi, phương thức thi thì có thể làm trên máy hoặc trên giấy ở các điểm khác nhau, quy trình đảm bảo tính bảo mật, khách quan. Cách thức thi này cũng sẽ tác động ngược lại hoạt động dạy học ở phổ thông theo hướng phát triển năng lực, gắn với giải quyết các vấn đề cuộc sống”.

PGS.TS Bùi Hoài Thắng – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho biết ông hoàn toàn đồng ý phương án không sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh ĐH.

“Hiện nay các phương thức khác đã nhiều, các trường đều đã chủ động trong việc tuyển sinh. Ngoài ra, các đánh giá độc lập như kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và Hà Nội đang đáp ứng được kỳ vọng các trường.

Kết quả học tập của sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM của các thí sinh trúng tuyển từ phương thức đánh giá năng lực nhỉnh hơn các thí sinh trúng tuyển phương thức xét điểm thi THPT đã minh chứng cho điều này” – ông Thắng nói.

Lo cho học sinh vùng khó khăn

Chia sẻ quan điểm khi phân tích kết quả tuyển sinh năm 2021, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng lúc này việc có một kỳ thi tập trung như thi tốt nghiệp THPT sẽ rất tốt. Vì nếu tổ chức kỳ thi riêng, không phải địa phương nào cũng có thể tham gia trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh.

Quan điểm này cũng là điều khiến một số nhà quản lý trường ĐH băn khoăn. PGS.TS Nguyễn Phong Điền chia sẻ: “Đó là điều duy nhất tôi thấy băn khoăn. Vì nếu năm tới Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tuyển sinh với bài thi đánh giá tư duy thì chắc chắn nhiều thí sinh ở vùng khó khăn sẽ không thể tham dự được, điều đó có nghĩa các em này sẽ không có cơ hội vào học Trường ĐH Bách khoa Hà Nội”.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng – nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – cũng là một trong những người cho rằng cần giữ quan điểm kết hợp sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào ĐH là phương án tiết kiệm và công bằng nhất vì đa số học sinh THPT ở vùng khó khăn không thể ra các thành phố lớn để thi năng lực hoặc tham dự các kỳ thi riêng do các trường ĐH tổ chức.

Trong trường hợp không tổ chức thi, các trường ĐH sẽ tăng chỉ tiêu xét học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực hoặc tổ chức thi tuyển sinh riêng.

Tương tự, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng – quyền hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM – cho rằng cần có kỳ thi chung cho thí sinh cả nước mới đảm bảo công bằng trong tuyển sinh.

“Do năm nay tuyển sinh trong điều kiện dịch COVID-19 nên trường chúng tôi mới dành đến 30% chỉ tiêu phương thức xét học bạ, chứ thật ra chúng tôi không tin tưởng điểm học bạ… Cần có trung tâm khảo thí quốc gia xây dựng ngân hàng đề thi chuẩn mực để tổ chức kỳ thi chung để các trường sử dụng kết quả tuyển sinh” – ông Hùng kiến nghị.

Theo PGS.TS Nguyễn Cảnh Hợp – phó chủ tịch hội đồng khoa học Trường ĐH Luật TP.HCM, với tuyển sinh ĐH, cách tốt nhất vẫn là tổ chức thi tuyển theo từng ban chuyên A, B, C cho từng lĩnh vực đào tạo phù hợp khối khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, y dược…

Kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay vẫn tổ chức theo hướng cho học sinh được chọn bài thi khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội, nhưng cả quá trình học các em phải học rất nhiều môn, rất nặng nề. “Vì vậy, tôi ủng hộ phương án xét công nhận tốt nghiệp THPT và chỉ tổ chức kỳ thi ĐH theo các khối thi A, B, C, D…” – ông Hợp nói.

Related Posts