Giải thích câu tục ngữ Gần mực thì đen gần đèn thì sáng

Việt Nam ta có kho tàng tục ngữ rất phong phú đa dạng, mỗi câu tục ngữ lại chứa đựng những kinh nghiệm sống, kiến thức cũng như những bài học quý báu của ông cha ta đã đúc kết và truyền lại cho con cháu đời sau. Để có thể hiểu được hết kho báu này, đôi khi ta mất cả một đời người. “Gần mực thì đen gần đèn thì sáng” là một trong những câu tục ngữ hay nhất của ông cha ta.

Giải Thích Câu Tục Ngữ Gần Mực Thì Đen Gần Đèn Thì Sáng

Giải thích câu tục ngữ

Nghĩa đen:

Với câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng“, cha ông đã mượn những vật dụng vô cùng thân thuộc với mỗi người để dạy ta một đạo lý, một bài học. “Mực” vốn là loại mực Tàu dùng để viết của những ông đồ ngày xưa, có màu đen tuyền, dùng để mài cùng nước lấy mực viết. “Đèn” là một vật dụng dùng để thắp sáng cho con người, soi tỏ mọi vật. “Gần mực thì đen” tức là nếu khi tiếp xúc, sử dụng mực mà không khéo, ta có thể bị vấy bẩn bởi mực, dễ bị lem nhem, xấu xí. “Gần đèn thì rạng” tức là nếu gần nơi có ánh sáng thì ta sẽ được soi tỏ bởi lớp ánh sáng ấy, dễ tỏa ra hào quang rực rỡ hơn người khác.

Đây là nghĩa tường minh của câu tục ngữ, ý muốn nói ở gần sự vật nào thì dễ bị tác động bởi sự vật ấy.

Nghĩa bóng

Thông qua những sự vật giản dị, ông cha ta đã truyền tải những thông điệp vô cùng ý nghĩa trong cuộc sống. Mực ở đây ẩn dụ cho những tác động xấu của môi trường bên ngoài, bao gồm những cá nhân có những thói hư tật xấu, gia đình không êm ấm hạnh phúc, cha mẹ không yêu thương con cói, bạn bè không chăm chỉ học hành. “Gần mực thì đen” ý muốn nói, nếu như ở trong một môi trường không tốt, với những con người có lối sống không lành mạnh thì dễ bị tác động theo chiều hướng tiêu cực. “Đen” ở đây nghĩa là những điều không tốt. Khi ở trong một môi trường như vậy ta dễ dàng chịu ảnh hưởng, cuối cùng sẽ trở thành những người như họ.

Ngược lại với mực là đèn, trong khi mực chỉ mang lại sự tối tắm tiêu cực, thì đèn lại tượng trưng cho những điều tốt đẹp, một môi trường sống lành mạnh với những cá nhân có nhân cách và phẩm chất tốt đẹp, tài năng cũng như luôn biết nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Ở trong một môi trường như vậy, ta dễ dàng chịu những tác động tốt để từ đó phát triển và hoàn thiện bản thân. Không phải ngẫu nhiên mà người xưa có câu:

Ở bầu thì tròn ở ống thì dài

Hay:

Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma thì mặc áo giấy

Điều đó chứng tỏ tầm quan trọng của môi trường sống tác động lên mỗi con người, ở trong một môi trường tốt đẹp thì ta sẽ có điều kiện để phát triển bản thân, trong khi ở trong một môi trường không lành mạnh thì dễ bị biến đổi theo chiều hướng xấu. Câu tục ngữ muốn khuyên chúng ta nên tránh xa những điều xấu và xây dựng một môi trường sống không lành mạnh.

Từ lúc nằm trong nôi, ta đã lớn lên với lời ru của mẹ. Lúc đó, gia đình tác động trực tiếp đến việc hình thành nhân cách của đứa trẻ. Gia đình có hạnh phúc, êm ấm, vợ chồng hoà thuận, anh chị em yêu thương nhau thì đứa trẻ mới có thể lớn lên trong tình thương, sự giáo dục tốt để trở thành một con người tốt. Khi lớn lên, đến tuổi trưởng thành thì với sự giúp đỡ của thầy cô và bạn bè, ta có thể tiếp thu được nhiều kiến thức, học hỏi được nhiều điều bổ ích. Sau này, khi phải bôn ba với sóng gió cuộc đời, gia đình và bạn bè sẽ là chỗ dựa vững chắc nhất để ta vững bước trong cuộc đời.

Môi trường sống là thứ tác động đến nhân cách con người một cách mạnh mẽ nhất, Thực tế cuộc sống đã cho thấy, để tiếp thu và hình thành nên những thói quen tốt khó hơn rất nhiều việc tiếp thu những thói quen xấu. Không biết bao nhiêu người đã sống trong buông thả để rồi phạm pháp. Thế mới biết tác động của môi trường lớn đến nhường nào.

Chứng minh

Xã hội bây giờ có rất nhiều điều tiêc cực, sự ảnh hưởng một cách nhanh chóng và sâu rộng của các nền văn minh trên thế giới có tác động mạnh mẽ đến giới trẻ, tiếc rằng họ lại không biết cách chọn lọc, dẫn đến những hậu quả vô cùng đáng tiếc. Chúng ta dễ bị tác động bởi những điều mới lạ mà không giữ được phẩm chất đạo đức con người. Các tệ nạn lan rộng trong phạm vi cả nước vì lối sống vô trách nhiệm, buông thả của một số người. Ma tuý, cờ bạc, rượu chè và mới đây là thuốc “lắc” ở vũ trường tạo thành một cơn lốc, kéo theo những con người thiếu ý chí, nghị lực, thiếu hiểu biết vào vòng xoáy bất tận của những văn hoá phẩm đồi trụy, của các tệ nạn xã hội như nghiện hút, cờ bạc,…

Bên cạnh đó, câu tục ngữ cũng muốn nhắc nhở hơn về ý chí của mỗi người. Chúng ta không phải ai cũng được lựa chọn cho mình môi trường sống tốt đẹp. Cuộc sống đôi khi muốn thử thách nên đã cố tình đặt ta vào những hoàn cảnh sống éo le. Song môi trường sống chỉ là bước cần, không phải bước đủ, cái quan trọng vẫn là nội tâm của mỗi người. Người xưa có câu: “ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, ý muốn nói môi trường sống không tốt cũng không thể khiến con người trở nên xấu đi nếu họ có một ý chí vững mạnh, một nhân cách tốt.

Qua những hình ảnh trên, hẳn mỗi người trong chúng ta cũng nhận ra lời khuyên mà ông cha ta muốn dành cho chúng ta qua câu tục ngữ trên. Rằng mỗi người phải biết tu dưỡng đạo đức, phải biết chọn những người bạn hiền để cùng tu tập đạo đức, nhân cách cũng như trí tuệ. Ngoài ra, ta cũng nên tạo ra những môi trường lành mạnh để mọi người có thể cùng nhau phát triển, soi sáng lẫn nhau, mỗi người đều là ngọn “đèn” để người khác được soi tỏ, tránh xa “mực” và cố gắng khổng để cho nó ảnh hưởng đến mình.

Thảo Nguyên

Related Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *