Gắn thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII với Chỉ thị 05-CT/TW để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

1. Hồ Chí Minh với xây dựng và chỉnh đốn Đảng

Lịch sử cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo cho thấy, cùng với mỗi bước ngoặt của cách mạng, tình hình và nhiệm vụ của Đảng cũng có sự thay đổi. Đứng trước yêu cầu và nhiệm vụ mới, công tác xây dựng Đảng về mọi mặt: chỉnh đốn tổ chức, tăng cường lực lượng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, giữ vững lập trường tư tưởng, v.v.. của một Đảng cách mạng càng trở nên bức thiết và thường xuyên. Đó không chỉ là yêu cầu khách quan của thời cuộc, đó còn là nhu cầu tự thân của Đảng, nhằm đảm bảo vai trò lãnh đạo, sự tiền phong của Đảng. Theo Hồ Chí Minh, khi đã trở thành Đảng cầm quyền, để định ra đường lối đúng, quyết sách đúng, Đảng phải thường xuyên xây dựng, củng cố và tăng cường chỉnh đốn lại nội bộ. Bởi rằng, dù là một đội ngũ tiên tiến nhất và tổ chức chặt chẽ nhất của giai cấp công nhân và dân tộc, song không phải chỉ như vậy là Đảng đã trở thành vĩ đại. Biện pháp khoa học nhất, hữu hiệu nhất, thường xuyên nhất để Đảng luôn là đội tiền phong, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử “bộ chỉ huy tối cao của dân tộc” là “phải củng cố Đảng”, “chỉnh đốn lại Đảng” trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và rèn luyện đạo đức.

Thấm nhuần sâu sắc vai trò, sức mạnh của đạo đức cách mạng và quy luật phát triển của nó; đồng thời, coi đạo đức là cái gốc, cái căn bản, là nền tảng của người cách mạng, Hồ Chí Minh đã không chỉ yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng “như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong” mà Người còn là một mẫu mực của tấm gương đạo đức cách mạng, luôn sống giản dị, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thống nhất giữa nói và làm trên tinh thần lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, v.v.. Cuộc đời Hồ Chí Minh là hiện thân đầy đủ nhất, cao đẹp nhất của tấm gương người cộng sản theo ý nghĩa và nội dung sâu rộng; tiêu biểu cho tinh hoa, khí phách dân tộc Việt, được truyền lại trong Đảng và trong nhân dân.

Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm xây dựng Đảng toàn diện về tư tưởng, chính trị, tổ chức và đạo đức. Trước khi đi xa, Người đã căn dặn trong Di chúc: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”[i].

2. Gắn thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII với Chỉ thị 05-CT/TW để xây dựng và chỉnh đốn Đảng

Sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, một đất nước Việt Nam đổi mới và hội nhập đang đứng trước những vận hội lớn, đi liền cùng những thách thức. Đây cũng là một bước ngoặt quan trọng, đòi hỏi Đảng phải thật sự trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh” để ngang tầm với vị thế và vai trò của mình. Hơn bao giờ hết, trước những cam go thử thách mới, trước thực trạng tham nhũng đã trở thành quốc nạn và sự suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong Đảng chưa được ngăn chặn, đẩy lùi như Văn kiện Đại hội Đảng XI, XII đã chỉ ra, những điều Hồ Chí Minh quan tâm, căn dặn, chỉ dẫn thường xuyên, liên tục về xây dựng và chỉnh đốn Đảng càng trở nên có ý nghĩa sâu sắc.

Để Đảng luôn xứng đáng với vai trò tiền phong, luôn trong sạch, vững mạnh; để khắc phục những hạn chế trong công tác xây dựng Đảng, tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” trong nội bộ” (Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII) gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (Chỉ thị 05) được coi là giải pháp đột phá, thiết thực, nhằm tạo chuyển biến trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước” và “sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”…

Đồng thời, Nghị quyết cũng chỉ ra 27 biểu hiện của sự suy thoái, bao gồm: 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Từ đó, giúp cán bộ, đảng viên trong Đảng có thể tự soi mình vào 27 biểu hiện đó, để có định hướng tự sửa chữa, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm, phát huy ưu điểm; đồng thời, nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, lãnh đạo, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ Tổ quốc và nhân dân giao phó. Từ đó, với quan điểm, “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật; kết hợp giữa “xây” và “chống”; trong đó, “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách”, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; về cơ chế, chính sách; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; về phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội, để thiết thực xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Cụ thể hóa việc đưa Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Chỉ thị 05 vào cuộc sống, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng cần phải thấm nhuần sâu sắc hơn nữa những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về xây dựng và chỉnh đốn Đảng và nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4,5,6,7 khóa XII đồng bộ với các nghị quyết khác của Trung ương, của Quốc hội, Chính phủ, nhất là với Chỉ thị 05. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ chính trị cấp bách để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần ngăn ngừa, đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực trong Đảng, trong hệ thống chính trị và trong xã hội, để Đảng ngày càng “mạnh khỏe, chắc chắn” như Hồ Chí Minh mong muốn.

Năm 2018 và những năm tiếp theo, các cấp ủy đảng cần tiếp tục nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn về tình hình, nguyên nhân; nhận diện dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, trong hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân. Chủ động làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ lý luận, kiên quyết phòng, chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong các cơ quan công quyền. Nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng, chống và đấu tranh có hiệu quả với những luận điệu tuyên truyền phá hoại của các thế lực thù địch; đồng thời, ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, đẩy lùi tệ nạn tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, với các Nghị quyết Trung ương 5, 6, 7 khóa XII, nhất là Nghị quyết Trung ương 7 về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” (Nghị quyết số 26-NQ/TW), với thực hiện nhiệm vụ chính trị, các phong trào thi đua yêu nước tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị. Chỉnh đốn phong cách làm việc, phát huy tính tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong công tác, trong sinh hoạt của đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị nói riêng. Hướng về nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đổi mới phương thức công tác theo hướng chủ động trong mọi tình huống, tăng cường kiểm tra đôn đốc, đi sâu, đi sát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc tại địa bàn cơ sở… Coi kết quả rèn luyện, phấn đấu của cán bộ, đảng viên về chuyên môn, nghiệp vụ và rèn luyện đạo đức là cơ sở để đánh giá, xếp loại thi đua hằng năm của mỗi tổ chức, cá nhân, đơn vị.

Quán triệt và thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng; trong đó, chú trọng tự phê bình và phê bình trên cơ sở của tình đồng chí thương yêu lẫn nhau; theo nguyên tắc dân chủ, đoàn kết, thống nhất để phát triển. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị; thực hiện dân chủ trong Đảng; đưa các chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào sinh hoạt chi bộ hằng tháng trở thành nền nếp, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, tạo chuyển biến về nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên từ mỗi địa bàn cơ sở.

Chú trọng công tác tuyên truyền việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, 5, 6, 7 khóa XII với nhân rộng các gương điển hình tiên tiến cảu tập thể và cá nhân trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05. Kịp thời tuyên truyền, nhân rộng các mô hình, gương cá nhân trong nỗ lực rèn luyện đạo đức cách mạng, “nói đi đôi với làm”, “nói ít, làm nhiều”, dám làm, dám chịu trách nhiệm, làm việc khoa học… của đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương nói riêng trên các phương tiện truyền thông, tạo sự lan tỏa trong xã hội trên tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”./.

TS. Văn Thị Thanh Mai

(Phó Tổng Biên tập Tạp chí Tuyên giáo)

Related Posts