Xã đảo giàu nhất Khánh Hòa

Hơn mười năm trước, xã đảo Cam Bình, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa được biết đến là địa phương nghèo khó, xa xôi cách trở, thế nhưng từ năm 2000 khi tiếp cận được nguồn vốn vay của Ngân hàng NN-PTNT Khánh Hòa để phát triển nghề nuôi tôm hùm, đến nay xã Cam Bình đã trở thành địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về thu nhập khu vực nông thôn.

Anh Lâm Tấn Hậu, thôn Bình Ba, xã Cam Bình đang cặm cụi lặn xuống nước dọn vệ sinh 12 lồng nuôi tôm hùm thịt và 20 lồng ươm nuôi tôm hùm giống trên vịnh Cam Ranh, thấy chúng tôi anh không giấu được niềm vui. Không vui sao được khi giá tôm hùm đang tăng khá mạnh so với thời điểm giữa năm 2012. Anh Hậu cho biết: Tôi đang chuẩn bị xuất bán lứa tôm hùm này được 300 con, hiện nay giá tôm hùm loại một từ 1,5 – 1,6 triệu đồng/kg, tăng 500.000 đồng so với giữa năm 2012, chi phí cho mỗi kg tôm hùm (con giống, thức ăn…) khoảng 650.000 đồng/kg, với giá này sau khi xuất bán 300 con, tôi dự kiến thu lãi khoảng 250 triệu đồng.

Anh Lâm Tấn Hậu đang kiểm tra tôm hùm để chuẩn bị xuất bán

Theo anh Hậu, trước đây gia đình anh chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt thủy sản, do gặp khá nhiều rủi ro về thời tiết, nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt nên cũng chỉ đủ ăn, trong khi đó một số hộ trong thôn đã tự phát nuôi tôm hùm và trở nên giàu có, gia đình anh Hậu muốn phát triển nghề nuôi tôm hùm nhưng do chi phí cao, không có vốn nên cũng chỉ biết ngồi nhìn người khác làm giàu. Tuy nhiên từ năm 2000 Ngân hàng NN-PTNT Khánh Hòa có chủ trương cho người dân vay để phát triển nghề nuôi tôm hùm. Nhận thấy cơ hội đã đến, gia đình anh Hậu lên phương án sản xuất, làm đơn vay vốn ngân hàng. Anh kể: Các cán bộ của ngân hàng thẩm định phương án sản xuất thấy có hiệu quả đã giải ngân cho vay 30 triệu đồng.

Có đồng vốn trong tay, anh đã tiến hành thả nuôi ngay tôm hùm với số lượng ban đầu 4 lồng, mỗi lồng thả 80 – 100 con, sau 18 tháng nuôi gia đình anh Hậu thu hoạch được gần 300 kg tôm hùm, trừ chi phí, trả vốn ngân hàng gia đình còn lãi 70 triệu đồng. Thấy làm ăn có lãi, anh Hậu tiếp tục làm đơn vay vốn tiếp để mở rộng quy mô nuôi. Đến nay, số lồng nuôi tôm của anh Hậu đã tăng lên 12 lồng với số lượng tôm nuôi 1.200 con mỗi vụ và 20 lồng nuôi tôm hùm nhỏ để khi xuất bán thì đưa vào lồng lớn nuôi. Anh Hậu phấn khởi: Những năm trước đây mỗi năm gia đình tôi thu lãi khoảng 200 triệu đồng từ tôm hùm, còn 3 năm trở lại đây, lợi nhuận đã tăng lên 400 – 500 triệu đồng/năm.

Nhờ nuôi tôm hùm hiệu quả mà anh Hậu đã xây dựng được nhà tầng, mua sắm đồ sinh hoạt đắt tiền không kém gì thành thị, không những vậy anh còn mua một chiếc tàu du lịch với giá 240 triệu đồng để chở khách. Mặc dù có đủ khả năng để nuôi tôm hùm nhưng anh Hậu vẫn tiếp tục vay của Ngân hàng NN-PTNT Khánh Hòa 70 triệu đồng để phục vụ nuôi tôm, còn nguồn tiền lãi từ tôm hùm thì anh để đầu tư phát triển sản xuất khác. Anh Hậu kể: Nếu không có nguồn vốn từ ngân hàng có lẽ gia đình tôi sẽ mãi mãi không khá lên được.

Ông Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT Khánh Hòa cho biết: Đến cuối năm 2012, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đạt 2.783 tỷ đồng, chiếm 73,6%. Riêng cho vay nuôi tôm hùm trên toàn tỉnh đạt 283 tỷ đồng. Năm 2007 – 2008, khi dịch bệnh tôm hùm bùng phát, nhiều gia đình bị thiệt hại nặng nề, không còn khả năng chi trả vốn ngân hàng. Trước tình hình này, chúng tôi đã tiến hành rà soát từng hộ, những hộ nghèo nuôi ít bị thiệt hại hoàn toàn thì chúng tôi khoanh nợ, tiếp tục cho vay để phát triển sản xuất nhờ vậy đến nay nợ xấu từ cho vay tôm hùm rất ít không đáng kể.

Tương tự như nhiều gia đình khác trong xã, gia đình bác Lê Văn Phé, ở thôn Bình Ba, nuôi thả 21 lồng tôm hùm với số lượng khoảng 2.000 con mỗi vụ, hàng năm thu lãi trên 200 triệu đồng. Bác Phé kể: Nhà tôi nuôi tôm hùm từ năm 1998, tuy nhiên những năm đầu do không có vốn nên mỗi vụ cũng chỉ thả được 2 lồng, nhưng từ năm 2000 khi Ngân hàng NN-PTNT Khánh Hòa cho vay vốn nên tôi bắt đầu mở rộng quy mô nuôi, từ đó cũng tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho cả gia đình…

Ông Hoàng Văn Hóa, Chủ tịch UBND xã Cam Bình cho biết: Xã đảo chúng tôi có 4 thôn, với 1.176 hộ dân, 5.189 nhân khẩu, do cách đất liền 7 hải lý nên cuộc sống của người dân hoàn toàn phụ thuộc vào nghề biển. Trước năm 2000, các hộ dân trong xã sống bằng nghề đánh bắt thủy sản, do số hộ nghèo trong xã chiếm đến 40%. Từ năm 2000 khi Quyết định 2308 của Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam ra đời với chính sách ưu đãi cho các hộ nông dân vay vốn, Quyết định này như làn gió mát thổi vào người dân xã đảo Cam Bình, thế là nhà nhà lập phương án sản xuất làm đơn xin vay vốn và đã được ngân hàng đáp ứng vốn đầy đủ. Thời gian cao điểm người dân trong xã đã vay vốn ngân hàng để nuôi tôm hùm lên tới 47 tỷ đồng.

Theo ông Hóa, từ khi ngân hàng cho các hộ dân vay vốn để sản xuất, ngành nghề của người dân đã chuyển đổi nhanh chóng, đến nay đã có 900 hộ tham gia nuôi tôm hùm với tổng số 4.500 lồng. Riêng năm 2012, toàn xã thu hoạch được 180 tấn tôm hùm, tính giá bán bình quân là 1,5 triệu đồng/kg thì người dân đã có thu 270 tỷ đồng. Thế là từ một xã nghèo của tỉnh, chỉ trong vòng hơn 10 năm người dân Cam Bình đã giàu nhanh chóng, với mức thu nhập bình quân năm 2012 lên tới 30 triệu đồng/người/năm (cao nhất vùng nông thôn tỉnh Khánh Hòa). Theo ông Hóa, đến năm 2012 số vốn người dân vay ngân hàng NN-PTNT chỉ còn 23 tỷ đồng trong khi đó số lồng hàng năm đều tăng từ 100 – 200 lồng, điều đó chứng tỏ người dân đã chủ động được nguồn vốn và đã có rất nhiều hộ dân gửi tiết kiệm lại ngân hàng…

Related Posts