Xã Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa): Xây dựng nông thôn mới gắn

Nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất

Nói về công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo ở địa phương, Chủ tịch UBND xã Hòa Quang Nam Đặng Nho Hào cho biết: Trong lộ trình xây dựng NTM, xã Hòa Quang Nam đã tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi sản xuất đơn thuần sang sản xuất hàng hóa trong việc dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp, quy hoạch vùng sản xuất. Từ năm 2011 đến nay, UBND xã đã triển khai, duy trì và nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất, hỗ trợ giống, vật tư phân bón cho nông dân sản xuất lúa giống… Đồng thời, xã hướng dẫn bà con xã viên áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người dân.

Một số mô hình được triển khai có hiệu quả như: Dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu ở xứ đồng Cát Phú Thạnh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; mô hình sản xuất lúa giống; mô hình trồng bắp lai vụ đông xuân với diện tích khoảng 13ha; mô hình trồng đậu phộng trên đất 2 vụ lúa năng suất thấp, trồng cây ăn quả cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả trên đất lâm nghiệp nhằm tăng độ che phủ rừng; mô hình sản xuất khóm bền vững… Bà Lê Thị Ngọc Lan ở thôn Mậu Lâm Nam, được xã hướng dẫn, hỗ trợ về kỹ thuật nên gia đình bà đã mạnh dạn chuyển 2ha đất chuyên trồng keo sang trồng khóm, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện mỗi năm, cây khóm cho thu nhập 120 triệu đồng, giúp gia đình bà có nguồn thu ổn định.

Anh Võ Thanh Tùng cũng ở thôn Mậu Lâm Nam, người trực tiếp tham gia mô hình trồng sen phấn khởi nói: Nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ dự án, tôi mua 3.000 gốc sen ươm và 20kg hạt giống, qua 2 năm chăm sóc, sen phát triển nhanh, cho thu hoạch lứa đầu với năng suất cao, tạo động lực cho gia đình gắn bó lâu dài với việc trồng sen cho đến nay. Mô hình trồng sen, nuôi cá ở bàu Hội Khách với diện tích 2,9ha đạt thu nhập bình quân 150 triệu đồng/năm.

Bên cạnh những mô hình, xã còn duy trì và phát triển các ngành nghề truyền thống ở địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động, góp phần tăng nguồn thu nhập cho nhiều hộ gia đình. Trên địa bàn xã có 8 cơ sở và 44 hộ sản xuất kinh doanh, dịch vụ đóng thuế môn bài hàng năm và thuế giá trị gia tăng hàng tháng đã góp phần đáp ứng nhu cầu đời sống, giải quyết việc làm trên địa bàn xã.

Ông Huỳnh Công Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất gạch ngói Tuynen Hòa Phú ở xã Hòa Quang Nam cho biết: Ban đầu là cơ sở nhỏ lẻ, nhờ sự quan tâm của xã, đơn vị đã mở rộng cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho lao động địa phương với thu nhập bình quân 4-6 triệu đồng/người/tháng. Mô hình trồng sen nuôi cá ở xã Hòa Quang Nam. Ảnh: THÙY TRANG

Gắn với giảm nghèo bền vững

Để cải thiện đời sống người dân gắn với giảm nghèo bền vững, xã Hòa Quang Nam còn hỗ trợ nguồn vốn sản xuất cho nông dân. Trong 3 năm (2017-2019), xã liên tiếp xin được 3 dự án chăn nuôi bò với 27 hộ tham gia, tổng nguồn vốn trên 291 triệu đồng. Ông Nguyễn Thành Công ở thôn Đại Bình là một trong những hộ được hỗ trợ tham gia dự án chia sẻ: Từ khi tham gia dự án, tôi đã bán được 1 con bò; hiện nay đang nuôi con khác, bò phát triển tốt. Nhờ dự án hỗ trợ, gia đình tôi đã thoát nghèo.

Việc bố trí nguồn lực cho các dự án, tiểu dự án hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, từng bước xóa đói giảm nghèo được ông Lê Chấn Giang, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Hầu hết các hộ tham gia dự án phát triển sản xuất thuộc chương trình giảm nghèo đều thực hiện đúng tiến độ, đúng kế hoạch của UBND huyện Phú Hòa giao.

Bên cạnh thực hiện giảm nghèo với nguồn vốn dự án, xã còn thực hiện tín dụng chính sách tại địa phương. Nguồn vốn tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội đến nay là gần 33,5 tỉ đồng, chiếm 11,5% nguồn vốn toàn huyện, gồm các chương trình hộ nghèo hơn 1,1 tỉ đồng, hộ cận nghèo 6,5 tỉ đồng, hộ mới thoát nghèo 10,5 tỉ đồng, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 10,7 tỉ đồng, học sinh sinh viên 2,8 tỉ đồng, hỗ trợ tạo việc làm 1,8 tỉ đồng…, ủy thác cho 4 hội đoàn thể với 31 tổ tiết kiệm và vay vốn và 1.187 hộ vay vốn. Chất lượng tín dụng được đảm bảo, đến nay không có nợ quá hạn và nợ khoanh.

Ông Bùi Ngọc Khiết, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội nhận xét: Hầu hết nguồn vốn tín dụng chính sách đều sử dụng vốn vay đúng mục đích: chăn nuôi bò sinh sản, trồng cây công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, buôn bán nhỏ lẻ… đều có ý thức làm ăn, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Nguồn vốn này đã cho 54 lao động có việc làm ổn định, 65 học sinh sinh viên thuộc diện hộ nghèo, hộ có thu nhập tối đa bằng 150% hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; 870 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây mới và sửa chữa nâng cấp; 188 hộ cận nghèo, 398 hộ mới thoát nghèo và 41 hộ nghèo được vay vốn để phát triển sản xuất, chăn nuôi… Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững của địa phương.

Ông Đào Tấn Sự, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hòa Quang Nam cho biết: Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên địa bàn, tỉ lệ giảm nghèo của xã trong những năm qua đạt kết quả đáng khích lệ. Năm 2010, xã Hòa Quang Nam có 438 hộ nghèo, đến nay chỉ còn 57 hộ. Để đạt được kết quả trên, xã đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về công tác giảm nghèo bền vững; khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước đối với người nghèo. Thời gian tới, xã Hòa Quang Nam tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo. Đồng thời nhân rộng các mô hình giảm nghèo, xây dựng các vùng chuyên canh để tạo lợi thế cạnh tranh, góp phần xóa đói giảm nghèo; tăng cường công tác dạy nghề, nâng cao dân trí, giải quyết việc làm cho người lao động ở địa phương…

Thời gian qua, xã Hòa Quang Nam đã tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Trong đó, xã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về công tác giảm nghèo, khơi dậy ý chỉ chủ động vươn lên thoát nghèo không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, tích cực giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống cho người dân địa phương…

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa Đinh Công Thạch

Related Posts